TỰ TỬ VÀ TỰ HẠI

15.03.23 12:25 PM Nhận xét Bởi CareCube Vietnam

Một số trẻ vị thành niên đang có ý định tự tử, bằng nhiều cách khác nhau, sẽ cố gợi ý cho những người gần gũi trong gia đình hoặc bạn bè biết rằng mình đang đau đớn và cần được giúp đỡ như thế nào. Những trẻ khác lại chọn che giấu cảm xúc của họ với gia đình và bạn bè. Các chuyên gia đã nghiên cứu, và đúc kết rằng, chân thành và tôn trọng hỏi trẻ về vấn đề này là cách tốt nhất để tìm hiểu những khó khăn con đang gặp phải và nguy cơ tự tử-tự hại. 

Các bậc cha mẹ đôi khi lo lắng rằng hỏi về việc tự tử có thể làm cho nó dễ xảy ra hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Thời điểm và cách hỏi rất quan trọng. Đối với những đứa trẻ đang gặp khó khăn trong việc thừa nhận rằng mình cần sự giúp đỡ, những cuộc đối thoại này gửi đi thông điệp rằng cha mẹ rất quan tâm đến trẻ, rằng việc gặp khó khăn và yêu cầu sự giúp đỡ là bình thường và được hoan nghênh. Cuộc trò chuyện này có thể là cứu cánh và giúp trẻ không có những ý định cực đoan.

Mặc dù hỏi là cách tốt nhất để tìm hiểu, nhưng cũng có một số dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý nếu bạn lo lắng về việc tự tử, bao gồm những điều sau:

  • Cách ly khỏi bạn bè và gia đình

  • Các vấn đề về ăn uống hoặc ngủ

  • Tâm trạng lâng lâng

  • Hành vi liều lĩnh

  • Kết quả học tập sa sút 

  • Tăng tần suất sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích 

  • Cho đi đồ đạc

  • Nói về cảm giác tuyệt vọng hoặc bị mắc kẹt

  • Nói về việc trở thành gánh nặng cho người khác hoặc cảm giác không thuộc về

  • Nói về tự tử hoặc muốn chết

  • Viết hoặc vẽ về tự tử, hoặc diễn kịch về tự tử 

Dưới đây là một số yếu tố chính dẫn đến nguy cơ tự tử :

  • Một mất mất lớn vừa xảy ra. Điều này có thể bao gồm cái chết của một thành viên trong gia đình, một người bạn hoặc một con vật cưng. Mất mát sâu sắc cũng có thể là khi cha mẹ trẻ chia tay hoặc ly hôn, hoặc trẻ vừa chia tay với bạn trai hay bạn gái, cùng với việc cha mẹ mất việc, hoặc gia đình mất nhà.

  • Trẻ vừa có chấn thương tinh thần, đặc biệt là các vấn đề như trầm cảm hoặc rối loạn liên quan đến chấn thương và căng thẳng.

  • Trẻ chứng kiến hoặc/và biết về những nỗ lực tự sát trước đó của trẻ hoặc 1 thành viên trong gia đình mà trẻ biết.

  • Trẻ phải đấu tranh với xu hướng tình dục trong một môi trường không tôn trọng hoặc chấp nhận xu hướng đó. Trẻ có thể không phải là 1 người đồng tính nam hay đồng tính nữ, mà đang gặp khó khăn khi bước ra một môi trường không có sự hỗ trợ hay thấu hiểu đủ nhiều với sự đa dạng giới.

  • Tiền sử gia đình từng tự tử là điều có thể thực sự quan trọng và đáng lo ngại.

  • Thiếu sự hỗ trợ của môi trường xã hội. Một đứa trẻ không cảm thấy sự hỗ trợ từ những người lớn quan trọng trong cuộc sống cũng như bạn bè của mình, có thể trở nên cô lập đến mức tự tử dường như là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề của mình.

  • Bị bắt nạt. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em bị bắt nạt (về thể chất, tinh thần, tâm lý) có thể có nguy cơ tự tử cao hơn.

  • Bị từ chối khi kêu gọi giúp đỡ. Một trong những điều chúng ta biết là con người càng cảm thấy tuyệt vọng và bất lực, họ càng có xu hướng chọn cách tự làm tổn thương bản thân hoặc kết thúc cuộc đời. Tương tự, nếu trẻ cảm thấy quá tội lỗi hoặc xấu hổ, hoặc nếu trẻ cảm thấy vô giá trị hoặc tự ti, và không có sự giúp đỡ đúng lúc và phù hợp, trẻ sẽ dễ có hành vi tự hại hơn.

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt. Khi một thiếu niên trở nên buồn bã, thu mình hơn, cáu kỉnh hơn, lo lắng, mệt mỏi hoặc thờ ơ — những thứ từng là vui vẻ nay không còn vui nữa với con— bạn nên chú ý hơn. Những thay đổi trong cách ngủ hoặc thói quen ăn uống của con cũng có thể là dấu hiệu đỏ. Những hành động thất thường, hoặc liều lĩnh cũng là một dấu hiệu cảnh báo. Nếu một thanh thiếu niên bắt đầu suy giảm khả năng ra quyết định, giải quyết vấn đề, hoặc bắt đầu làm những điều có hại cho bản thân hoặc người khác, như bắt nạt hoặc đánh nhau, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mất kiểm soát.

  • Và, cuối cùng, nếu một đứa trẻ đang nói về cái chết, bạn nên đặc biệt chú ý! "Tôi ước gì tôi đã chết." "Tôi chỉ muốn được biến mất." "Có lẽ tôi nên nhảy khỏi tòa nhà đó." "Có lẽ tôi nên tự bắn mình." "Tất cả các bạn của tôi sẽ tốt hơn nếu tôi không có mặt." Khi bạn nghe kiểu nói chuyện này, điều quan trọng là bạn hãy nghiêm túc xem xét nó — ngay cả khi bạn không thể tưởng tượng được con mình có ý nghĩ ấy nghiêm túc đến như thế nào.

Yếu tố bảo vệ chính giúp giảm thiểu nguy cơ tham gia vào hành vi tự sát

  • Khả năng giải quyết vấn đề tốt. Những đứa trẻ có thể nhìn thấy một vấn đề và tìm ra những cách hiệu quả để quản lý vấn đề, sẽ có nguy cơ tự hại ít hơn.

  • Nguồn lực xã hội. Mối liên hệ giữa trẻ với gia đình, bạn bè và mọi người trong cộng đồng càng mạnh mẽ, thì khả năng trẻ tự làm hại bản thân càng ít. Một phần là vì trẻ cảm thấy được yêu thương và hỗ trợ, và một phần là vì trẻ có người để hướng tới khi con gặp khó khăn và quá tải.

  • Nhận sự chăm sóc hiệu quả. Trải nghiệm được chăm sóc sức khỏe tinh thần có thể khiến trẻ cảm thấy được kết nối sâu sắc với nguồn lực hỗ trợ có ích.

  • Điều đầu tiên nhất, để tăng yếu tố bảo vệ, cha mẹ hãy nghe và nói chuyện với trẻ.

Hỗ trợ trẻ khi có bạn cùng lớp tự tử:

Đây là một điều rất đau đớn với trẻ. Dưới đây là một số gợi ý mà chúng tôi hy vọng sẽ hữu ích để bạn hỗ trợ trẻ trong hành trình ứng phó với mất mát này.

  • Điều quan trọng là phải thừa nhận hành vi tự tử, nhưng không cung cấp cho trẻ quá nhiều thông tin chi tiết về phương pháp tự tử cụ thể. Giáo viên và phụ huynh nên truyền tải những thông điệp nhất quán để giảm thiểu sự nhầm lẫn, thông tin sai lệch và những bí mật.

  • Tự tử nên được giải thích theo nghĩa của một bệnh tâm thần không được điều trị. Con người đôi khi che giấu nỗi đau tình cảm ngay cả với những người thân nhất của họ, điều này khiến những người thân rất khó để giúp đỡ họ. Bạn nên tránh giật gân hoặc dựng kịch bản tự tử, nhưng cũng không nên hoàn toàn tránh nói về nó với trẻ.

  • Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ nói ra những gì trẻ nghe và suy nghĩ, đồng thời lắng nghe một cách không phán xét. Trẻ cần có thời gian để xử lý những trải nghiệm buồn và con có thể có những câu hỏi quan trọng sau đó. Trẻ sẽ muốn nói về điều này với bạn bè, nhưng bạn có thể cho con biết rằng bạn muốn tiếp tục nói chuyện với con.

  • Nếu con bạn bị trầm cảm hoặc đã từng có ý định tự tử trước đó, điều đặc biệt quan trọng là phải ưu tiên vấn đề này. Đừng lảng tránh vì nó khó và lo lắng rằng nó có thể khiến trẻ cảm thấy tồi tệ hơn. Thật không may, các vụ tự tử đôi khi xảy ra theo bội số, vì vậy điều rất quan trọng là phải tăng cường giám sát những trẻ em có nguy cơ.

  • Một số trẻ có thể cảm thấy tội lỗi, cảm thấy rằng có điều gì đó đáng lẽ chúng phải làm để ngăn chặn điều đó. Hãy cho con biết rằng đây là cảm giác chung khi gặp mất mát: chúng ta không thể không nghĩ về những gì chúng ta nên hoặc có thể làm khác đi. Giúp trẻ hiểu rằng trẻ không phải chịu trách nhiệm và khi chúng ta biết được một điều gì đó quá bất ngờ, phải mất một thời gian để cú sốc đó vơi đi trước khi tìm ra ý nghĩa, và cuối cùng chấp nhận nó.

  • Đôi khi thanh thiếu niên tìm đến rượu, hoặc các hành vi nguy cơ khác như một cách đối phó với mất mát đau đớn. Theo dõi sát sao trẻ và giải thích cho trẻ hiểu rằng việc trải qua một loạt các cảm xúc mãnh liệt - buồn bã, tức giận, bối rối - đôi khi xảy ra cùng một lúc là điều bình thường. Đưa ra một số chiến lược để kiểm soát những cảm xúc này, chẳng hạn như nói chuyện với bạn bè, nói chuyện với cha mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy, chạy hoặc tập thể dục cường độ cao khác, hít thở sâu, cho phép bản thân khóc, v.v. Đây được gọi là "chăm sóc phòng ngừa", hoặc lường trước những khó khăn tiềm ẩn và cách giải quyết.

  • Có hai yếu tố chính thường liên quan đến việc tự tử (và cả hai đều bắt nguồn từ chứng trầm cảm). Thứ nhất là trẻ có mong muốn được chết, xuất phát từ việc nghĩ rằng trẻ là gánh nặng hoặc cảm giác như không thuộc về đâu. Trẻ em và người lớn đôi khi lầm tưởng rằng mọi người sẽ tốt hơn nếu không có họ bên cạnh. Để chống lại điều này, người lớn nên nói với trẻ thật rõ ràng rằng nếu chúng chết, sẽ rất tàn khốc cho người ở lại. Yếu tố nguy cơ thứ hai là khả năng gây ra tử vong, xuất phát từ việc lập kế hoạch, quen với nỗi đau và sự sợ hãi. Những đứa trẻ tự gây thương tích có nguy cơ tự tử cao hơn vì chúng ghi nhớ hành động tự hại như là 1 thói quen tự bảo vệ bản thân và quen với cảm giác đau đớn. Học theo cách người khác tự sát cũng làm tăng khả năng nguy cơ này.

  • Đau buồn và đối mặt với việc tự tử của 1 người bạn cần có thời gian. Đôi khi, không có cách nào để bỏ qua hoặc xúc tiến quá trình này. Nhưng bằng cách cho trẻ cơ hội để chia sẻ cảm xúc của mình, ta có thể giúp trẻ phục hồi và chữa lành. Bằng cách nói về vấn đề tự tử một cách cởi mở và thực tế, như hệ quả của sự khó khăn về cảm xúc không được giúp đỡ kịp thời, chúng ta có thể giúp trẻ hình thành một góc nhìn thực tế và hữu ích về chăm sóc sức khoẻ tinh thần.

Nguồn dữ liệu tham khảo

CareCube Vietnam

Chia sẻ -