LO ÂU

13.03.23 02:12 PM Nhận xét Bởi CareCube Vietnam

Khi trải qua chứng rối loạn lo âu, trẻ có thể rất buồn, căng thẳng và gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Mặc dù ở những giai đoạn đầu có thể trẻ vẫn đang học tốt ở trường, kết nối tốt với gia đình và bạn bè, nhưng các triệu chứng của lo âu sẽ làm hạn chế sự phát huy tối ưu năng lực tiềm tàng của trẻ. 

Sự lo lắng khác biệt như thế nào ở thanh thiếu niên?

Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ em có những biểu hiện lo lắng và tổn thương khác nhau.

Trẻ nhỏ dễ lo lắng về những thứ bên ngoài - như động vật hoặc côn trùng, bóng tối, quái vật dưới gầm giường, hoặc điều gì đó tồi tệ xảy ra với cha và mẹ. Nhưng thiếu niên có nhiều khả năng lo lắng về bản thân hơn - thành tích của trẻ ở trường, hoạt động ngoại khoá, cách trẻ được người khác nhìn nhận, những thay đổi trong cơ thể trẻ. 

Một số thanh thiếu niên đã mắc chứng lo lắng trong nhiều năm cho đến tuổi trưởng thành. Có thể cha mẹ đã cảm nhận được điều đó, nhưng đứa trẻ vẫn học tốt và dường như không có lý do gì để phải can thiệp. Hoặc đứa trẻ đã từng được điều trị, và mọi thứ trở nên tốt hơn. Nhưng khi trẻ chống chịu với những áp lực lớn hơn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, và trẻ bắt đầu so sánh bản thân nhiều hơn với các bạn cùng lứa tuổi, chứng lo lắng có thể trở lại và trở nên trầm trọng hơn. Theo nghiên cứu, nhiều trẻ vị thành niên khởi phát chứng lo âu xã hội và các cơn hoảng sợ, dù trước kia trẻ rất vui vẻ và vô tư. 

Trẻ và trẻ vị thành niên đang lo lắng về điều gì?

  • Thành tích bản thân 

Jerry Bubrick, Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Sức Khoẻ Tinh Thần Trẻ Em, Hoa Kỳ, người chuyên nghiên cứu về chứng lo âu giải thích: “Chúng tôi gặp rất nhiều nỗi sợ hãi về việc làm không tốt ở trẻ. Trẻ có rất nhiều lo lắng liên quan đến chủ nghĩa hoàn hảo, hoặc áp lực cần phải cố gắng hết sức ở trường”. Ngay cả khi phụ huynh chia sẽ rằng họ nỗ lực khuyến khích con cái đừng căng thẳng quá mức, trẻ vị thành niên vẫn cảm thấy áp lực rất lớn khi phải có thành tích tốt. 

  • Ánh nhìn của người khác

“Mỗi đứa trẻ sẽ có ý thức và độ nhạy cảm khác nhau về cách con được nhìn nhận,” Tiến sĩ Bubrick lưu ý. “Đó là một phần tự nhiên của quá trình lớn lên, nhưng một số trẻ đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương, dẫn đến chứng lo âu xã hội. Trẻ sẽ thực sự lo lắng thái quá về việc liệu con có thể bị coi là kém cỏi, ngu ngốc, hay sẽ làm điều gì đó rất đáng xấu hổ”.

  • Cơ thể. 

Những thay đổi về thể chất là một nguyên nhân gây khó chịu cho nhiều trẻ vị thành niên. Phát triển sớm hay chậm hơn các bạn đồng trang lứa có thể khiến trẻ cảm thấy khác biệt và lạc lõng. Tiến sĩ Bubrick lưu ý: “Đối với các bé gái, dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ hơn so với khi phát triển đúng thời điểm hoặc thậm chí là muộn hơn”. Còn các bé trai đặc biệt nhạy cảm với chiều cao. “Vì vậy, nếu một đứa trẻ 15 tuổi vẫn chưa trải qua tuổi dậy thì, và chúng trông giống như 12 tuổi và các bạn đồng lứa của chúng trông giống như chúng 19, điều đó có thể có tác động khá sâu sắc đến lòng tự trọng và niềm tự tin.” Một số trẻ phát triển một dạng lo lắng tột độ được gọi là rối loạn lo âu hình ảnh cơ thể, trở nên ám ảnh với một khiếm khuyết trên cơ thể (có thực hoặc tưởng tượng) đến mức gây ra sự đau khổ lớn và cản trở hoạt động bình thường của trẻ. 

Các triệu chứng lo lắng ở trẻ

Các triệu chứng của lo lắng rất khác nhau, từ tự cô lập, tránh né đến cáu kỉnh và tức giận. Những nỗi lo lắng thường không được phát hiện sớm vì ở độ tuổi này, trẻ thường tìm cách che giấu suy nghĩ và ngại nói lên cảm xúc của mình. Dưới đây là 1 số biểu hiện lo lắng của trẻ: 

  • Cáu gắt khi thực hiện những sinh hoạt thường ngày 
  • Khó tập trung
  • Ý thức bản thân cao độ, nhạy cảm với những lời nhận xét, chỉ trích
  • Né tránh các hoạt động xã hội
  • Né tránh các tình huống khó khăn hoặc bối cảnh mới
  • Thường xuyên đau bụng hoặc đau đầu
  • Sa sút trong học tập, muốn nghỉ học
  • Thường xuyên tìm kiếm sự trấn an 
  • Gặp vấn đề về chất lượng giấc ngủ
  • Muốn sử dụng chất kích thích, thức uống có cồn. 

Lo lắng và từ chối đi học

Trường học là 1 phần lớn trong cuộc sống của trẻ, và có thể là cơ sở của rất nhiều điều mà một trẻ tuổi mới lớn có thể lo lắng. Do đó, khi trẻ không muốn đến trường, đôi khi vấn đề không phải ở khả năng học tập của trẻ. Nhà tư vấn cần cùng với gia đình tìm hiểu lý do vì sao trẻ lại đưa ra quyết định không đi học. Vấn đề có thể là lo lắng về việc bị giáo viên gọi ngẫu nhiên và mắc lỗi. Hoặc đã có một cuộc tấn công và uy hiếp trong lớp. Hoặc trẻ lo lắng bị ai đó chế giễu. Lý do riêng biệt cho mỗi đứa trẻ cần được thấu hiểu và lắng nghe trước khi lên phương án hỗ trợ. 

Lo lắng và sử dụng chất kích thích

Trẻ vị thành niên lo lắng (không giống như người lớn lo lắng) có thể sử dụng thuốc kích thích hoặc chất gây nghiện như một cách để đối phó với sự khó chịu của bản thân. Tiến sĩ Bubrick lưu ý rằng thực tế là trong ngắn hạn, chất có tác dụng giúp làm giảm bớt lo lắng và căng thẳng, bằng cơ chế làm tắt phần lo lắng trong não bộ của trẻ. Nhưng đây là một cơ chế đối phó kém, bởi vì lâu dài, sự lo lắng càng trở nên trầm trọng và thanh thiếu niên trở nên phụ thuộc vào chất kích thích.

Lo lắng và trầm cảm

Trẻ vị thành niên thường mắc chứng trầm cảm bên cạnh chứng lo lắng. Lo lắng và trầm cảm có thể là hai chứng rối loạn đồng xuất hiện riêng biệt, cũng có thể là hệ quả của nhau. Điều đó một phần là do lối sống lo lắng có thể khiến trẻ buồn và cô đơn đến mức dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, nếu một bác sĩ lâm sàng chỉ điều trị các triệu chứng trầm cảm và bỏ qua lo lắng, kết quả sẽ không hiệu quả.

Tiến sĩ Bubrick lưu ý rằng trong số các loại lo âu khác nhau, rối loạn lo âu tổng quát đặc biệt có liên quan đến trầm cảm sau này trong cuộc sống - đến mức các nhà nghiên cứu xem nó như một trong những yếu tố tiên đoán bệnh trầm cảm ở tuổi trưởng thành. Rối loạn lo âu tổng quát là sự lo lắng không phải do một điều cụ thể nào đó gây ra (được gọi là ám ảnh cụ thể). Sự lo lắng này dai dẳng, và liên quan đến nhiều hoạt động trong cuộc sống hằng ngày. 

Hơn nữa, lo lắng kéo dài làm trẻ suy yếu sức khỏe. Nếu trẻ không thể tin tưởng vào bản thân, không tin rằng mình có thể đưa ra quyết định đúng đắn và sống cô lập, trẻ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Như vậy, những vấn đề sức khoẻ tinh thần của trẻ sẽ liên quan mật thiết đến nhau. Vì vậy, một sự đánh giá và kế hoạch hỗ trợ toàn diện là điều rất cần thiết cho trẻ.

Nguồn dữ liệu tham khảo

CareCube Vietnam

Chia sẻ -